Kì thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản và những điều cần biết

5496

Tổng quát chung về kì thi

Kì thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật bản là một kì thi mang tầm quốc gia với mục đích lấy được chứng chỉ hành nghề điều dưỡng. Bất kì ai, kể cả người Nhật lẫn người nước ngoài, nếu muốn được làm việc tại bệnh viện của Nhật với tư cách một điều dưỡng viên thì bắt buộc phải đỗ kì thi này, lấy được chứng chỉ điều dưỡng.

Kì thi do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi tổ chức, 1 năm 1 lần, vào khoảng giữa tháng 2.

Tính đến năm 2019, kì thi đã được tổ chức 109 lần.

 

https://www.toyama-kango-ouen.jp/_wp/wp-content/uploads/2016/03/d9501d77b274309651c357879c3062a9.png

Điều kiện để đăng kí thi

Lưu ý: Ở mục này chỉ đề cập tới đối tượng là người nước ngoài

Để có đủ tư cách tham gia, bạn cần đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

  • Có bằng JPLT N1
  • Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng tại quốc gia của bạn. Ở Việt Nam, để có được chứng chỉ này thì sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, bạn phải thực tập tại một cơ sở thực hành (thường là bệnh viện hoặc các phòng khám được phép cấp chứng chỉ) thời gian 9 tháng.

Toàn bộ quá trình của kì thi

 

Vào tháng 8 hàng năm, trên trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và tờ báo của chính phủ sẽ đăng tải các nội dung chi tiết về cuộc thi như lịch trình của cuộc thi, ban chấm thi…Sau đó đến mùa thu, ai muốn đăng kí phải nộp đơn xin đăng kí dự thi (mình sẽ nói chi tiết về thủ tục đăng kí ở phần sau)

Đến đầu tháng 2 năm sau, bạn sẽ được nhận giấy dự thi, trên đó có ghi cả địa điểm thi, và lịch ngày hôm thi…Khoảng giữa tháng 2 sẽ diễn ra kì thi.

Kết quả sẽ được thông báo vào cuối tháng 3. Sau khi được thông báo đã đậu, bạn sẽ phải làm các thủ tục để xin cấp bằng. Lưu ý: khi đăng kí dự thi nếu cùng một trường có thể gộp chung để đăng kí được nhưng với trường hợp xin cấp bằng thì hầu hết là làm theo cá nhân. Vì thế, tránh làm mất các giấy tờ liên quan.

Các địa điểm tổ chức thi

Có 11 tỉnh tổ chức thi đó là:

  • Hokkaido
  • Aomori
  • Tokyo
  • Aichi
  • Ishigawa
  • Osaka
  • Hiroshima
  • Fukuoka
  • Okinawa
  • Kagawa
  • Miyagi

Các tỉnh tổ chức thi thì cố định, tuy nhiên mỗi năm ở các tỉnh, địa điểm diễn ra kì thi sẽ thay đổi nên hãy đọc thật kĩ tờ dự thi được nhận.

Nội dung kì thi

Kì thi sẽ được diễn ra trong 1 ngày, cả sáng và chiều. Bài thi gồm 3 phần:

  • Câu hỏi bắt buộc(必修問題)
  • Câu hỏi về hiểu biết chung(一般問題)
  • Câu hỏi thiết lập tình huống(状況設定問題)

Bài thi gồm 240 câu hỏi về những nội dung sau:

  • Chức năng và cấu tạo của cơ thể
  • Quá trình bệnh tật và sự thúc đẩy hồi phục
  • Hỗ trợ sức khỏe và chế độ phúc lợi xã hội
  • Môn điều dưỡng cơ bản
  • Môn điều dưỡng cho người đã trưởng thành
  • Môn điều dưỡng người cao tuổi
  • Môn điều dưỡng nhi
  • Môn điều dưỡng sản
  • Môn điều dưỡng tâm thần
  • Điều dưỡng tại nhà
  • Sự kết hợp của điều dưỡng và thực tiễn

Tỉ lệ thí sinh đậu hàng năm

Ảnh: Wikimedia

Dạng câu hỏi của đề thi

Phần điền đáp án của kì thi này cũng tương tự như thi JLPT, đó là bạn phải dùng bút chì để tô tròn vào đáp án của mình ở tờ phiếu trả lời.

 

Có 5 dạng câu hỏi sẽ xuất hiện trong bài thi, đó là

  •  Chọn 1 đáp án đúng trong 4 đáp án. Là dạng câu hỏi được ra nhiều nhất (chiếm khoảng 74%*), ở phần câu hỏi bắt buộc chủ yếu ra dạng câu hỏi này.
  • Chọn 1 đáp án đúng trong 5 đáp án. Chủ yếu xuất hiện ở phần câu hỏi phổ biến và câu hỏi giải quyết tình huống (chiếm khoảng 14%*)
  • Chọn 2 đáp án trong 5 đáp án. Với dạng câu hỏi này, trong đề bài sẽ in đậm chữ 2つ選べ( hãy chọn 2 đáp án đúng), nên bạn cần lưu ý để tránh bị nhầm lẫn, và với câu này, bạn phải chọn được cả 2 đáp án đúng mới được tính điểm nhé!
  • Chọn con số là đáp án trực tiếp. Ở câu hỏi tính toán trong phần câu hỏi phổ biến và câu hỏi giải quyết tình huống, bạn sẽ phải lựa chọn con số mình đã tính rồi chọn 2 con số tương ứng với đáp án mình đã tính ra.  

                   Dạng câu hỏi chọn trực tiếp con số

  • Chọn đáp án dựa vào dữ liệu hình ảnh ở tệp được đính kèm. Khi nhận bộ câu hỏi, bạn sẽ được nhận thêm một tệp giấy gồm các hình ảnh, và đến câu hỏi dạng này bạn sẽ phải đọc câu hỏi rồi nhìn hình ảnh để trả lời.

*Dựa trên số liệu thống kê của lần thi thứ 107

 

Tiến trình của buổi thi chính thức

Kì thi sẽ diễn ra vào 2 buổi sáng và chiều. Buổi sáng sẽ bắt đầu thi lúc 9 giờ 50 phút dến 12 giờ 30 phút trưa. Các bạn nhớ ăn sáng đầy đủ trước buổi thi để tránh tình trạng bị đói giữa giờ nhé. Sẽ có 1 giờ 50 phút để nghỉ trưa trước khi bắt đầu giờ thi buổi chiều. Buổi chiều bắt đầu thi từ 14 giờ 20 phút đến 17 giờ.

Thời gian làm bài vào mỗi buổi là 2 giờ 40 phút, mỗi buổi thi có 120 câu hỏi, ehãy cố gắng căn chỉnh thời gian phù hợp để đạt được kết quả cao nhất.

Trong 120 câu của 1 bộ đề thi sẽ có 25 câu đầu là câu hỏi bắt buộc, 65 câu tiếp theo thuộc phần câu hỏi phổ biến và 30 câu cuối là câu hỏi thiết lập và giải quyết tình huống.

Cách tính điểm đỗ trượt

 

Điểm chuẩn bắt buộc để đỗ là bạn phải đạt được từ 80%( 40 điểm trở lên/50 điểm) điểm của phần câu hỏi bắt buộc.  Nếu không như vậy thì dù 2 phần còn lại điểm của bạn có cao  bao nhiêu thì vẫn bị coi là trượt.

Phần câu hỏi bắt buộc và câu hỏi phổ biến mỗi câu một điểm, phần câu hỏi thiết lập và giải quyết tình huống mỗi câu 2 điểm. Ở phần này, từ trước giờ hay ra những dạng câu như từ một đề bài sẽ phát sinh ra 3 câu hỏi liên quan, tuy nhiên từ lần thi thứ 106 (2017) thì thay vì 3 câu liên tiếp thì sẽ là 2 câu hỏi liên quan hoặc chỉ có 1 câu đơn. Và người ta cũng dự đoán rằng đó sẽ là xu hướng ra đề của những năm sắp tới.

Điểm chuẩn của phần câu hỏi phổ biến và câu hỏi giải quyết tình huống biến động theo từng năm. Thường sẽ rơi vào khoảng từ 60~70%, vào năm 2018 (tức là lần thứ 107) điểm chuẩn phần này là 62.3%.

   Một số trang web để tham khảo tài liệu ôn thi

Mình xin giới thiệu với các bạn một số trang web khá hay có thể dùng để ôn thi

  1. https://www.kango-roo.com/kokushi/kako/detail/63/2 

Với trang web này bạn có thể ôn thi theo từng phần câu hỏi như câu hỏi bắt buộc, phổ biến hay giải quyết tình huống, trang này không những có đáp án mà còn có cả lời giải rất chi tiết, rất hữu ích cho các bạn dùng để ôn thi. Ngoài ra trang này còn có nhiều bài báo, tin tức, thông tin về công việc, chuyên môn của người điều dưỡng.

  1. https://kango.career-tasu.jp/contents/kokushi-kakomon/

Trang này có tập hợp các đề thi chính thức từ năm 2010 đến năm 2017 có kèm đáp án. Tuy nhiên một hạn chế là trang không cung cấp lời giải. Và cũng như web thứ nhất, web này cũng cung cấp rất nhiều thông tin về ngành điều dưỡng và bệnh viện.

  1. https://nurseful.jp/nursefulshikkanbetsu/?fbclid=IwAR1C3dy9ux7mPKEPE3TDcc__8pdKMjo4c_FsvN-9y2uOaV9IvdE7UZGZ-o8

Trang này tuy không có đề thi nhưng chuyên cung cấp các kiến thức hay về các bệnh lý, đặc biệt còn có chứa cả những hình minh họa rất thú vị và dễ hiểu.

Lời kết: Năm 2015 lần đầu tiên có  một người Việt Nam đỗ kì thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật bản, năm 2016 có 14 người, năm 2017 có 15 người, năm 2018 có 18 người. Tính từ 2015 tới nay, Việt Nam đã có tổng cộng 48 người đỗ chứng chỉ. Tuy con số này so với tổng số người đỗ chứng chỉ còn rất khiêm tốn nhưng có thể thấy nó đang tăng lên theo từng năm và được kì vọng sẽ còn tăng nhiều vào những năm sắp tới.

 

Đánh giá ngay !